Lưu Kiền là một trong những xã miền núi,ởtưtưởngđểcùngxâydựngnôngthônmớmec68 cách trung tâm H.Tương Dương 18 km. Xã có 957 hộ dân thì 92% là dân tộc thiểu số. Với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, tuy nhiên, chính quyền và người dân trong xã đang nỗ lực để xây dựng nông thôn mới.
Phát triển kinh tế từ cây rừng
Bản Lưu Thông nằm cách quốc lộ 7 chừng 6 km. Con đường nối vào bản đã được đổ bê tông, chạy ngoằn ngoèo xuyên qua các khu rừng. Ông Vừa Tồng Mà, già làng ở đây cho biết bản Lưu Thông ra đời từ năm 1989, do chính ông khai mở. Sau khi thấy vùng đất này có thể lập làng, ông cùng hàng chục gia đình từ H.Kỳ Sơn (Nghệ An) đến đây để dựng nhà, khai hoang đất sản xuất. Đến nay, Lưu Thông có 60 nóc nhà với hơn 300 người. Thực hiện cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới, bản Lưu Thông đã đi đầu, thực hiện thành công "3 không": không có người nghiện ma túy, không có người vi phạm pháp luật, không có người thụ án tù. Đời sống kinh tế của dân bản đã khá giả.
Trong bản, mọi ngõ ngách đều sạch sẽ, không có trâu bò phóng uế bừa bãi vì bản quy định trâu bò phải nuôi nhốt. Bản có 58 nóc nhà thì có 48 nhà đã có nhà vệ sinh tự hoại. Hàng năm, đến dịp tết, con em của bản đi làm ăn, học hành ở xa về bản ngày mồng 1 tết đều tụ họp tại hội quán của bản để gặp mặt, báo cáo tình hình năm qua, ai lỡ làm điều gì không phải thì tự kiểm điểm, hứa không tái phạm.
Từ năm 2016, thực hiện phong trào phát triển kinh tế để xây dựng nông thôn mới, một số người dân trong bản đưa cây chuối rừng về trồng, mục đích chỉ để lấy làm thức ăn cho lợn. Thế nhưng, không ngờ lá chuối đã trở thành hàng hóa bán được giá và rất dễ bán. Anh Vừ Nỏ Lử, một người dân ở đây, cho biết ban đầu anh chỉ trồng một số cây để nuôi lợn, nhưng nay đã mở rộng diện tích trồng chuối rừng lên hơn 1 ha, gia đình có của ăn của để. Nhiều hộ gia đình sau đó cũng làm theo và đều có thu nhập khá.
Sau khi mô hình này cho hiệu quả cao, nhiều bản khác ở Lưu Kiền cũng trồng chuối rừng để lấy lá bán. Đến nay, toàn xã đã trồng được 34 ha, trong đó một số hộ trồng 2 - 3 ha chuối. Trải dọc bên các sườn núi là màu xanh bạt ngàn của chuối rừng. Lá chuối tươi hiện nay được các thương lái đến tận nơi để thu mua với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Mở đường
Bản Xoóng Con (xã Lưu Kiền) vừa hoàn thành con đường bê tông dài hơn 1 km nối tỉnh lộ 543D với khu đất sản xuất của người dân. Ông La Văn Thi, Trưởng bản Xoóng Con, khoe: "Trước đây, để vào được khu sản xuất Khe Chán này trồng sắn, trỉa ngô, chăn nuôi, trời mưa bà con phải lội bùn, trời nắng thì bụi mịt mù. Từ khi UBND xã gợi mở, người dân đồng tình hiến đất, hoàn thành con đường này thì việc đi lại sản xuất dễ dàng hơn rất nhiều".
Ông Chu Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Lưu Kiền, chia sẻ: "Xã xác định để phát triển kinh tế, xã hội thì trước hết phải làm đường giao thông nông thôn. Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, trước tiên phải làm công tác tư tưởng, tuyên truyền, giải thích, vận động người dân với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát. Khi người dân thấy được cái lợi thì sẽ dễ dàng khơi dậy sức dân cùng chung tay góp sức".
Xã Lưu Kiền xác định cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước. Kết quả nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất, hiến cây. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 đã vận động làm mới được 8.140 m đường giao thông nông thôn, huy động nhân dân đóng góp được gần 5.000 ngày công gần 350 triệu đồng tiền mặt... "Khi đã có đường, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa", ông Hùng cho hay.
UBND xã Lưu Kiền đang chỉ đạo xây dựng các điểm du lịch sinh thái cộng đồng đã được phê duyệt và xây dựng 10 mô hình kinh tế: nuôi bò, trồng lá dong, nhân rộng trồng chuối lấy lá, mô hình trồng ổi lê Đài Loan, mô hình nuôi vịt bầu, mô hình bảo vệ, phát triển cá mát. Lưu Kiền được UBND Tương Dương đánh giá là điểm sáng của huyện trong việc vận động người dân đồng thuận để làm đường giao thông nông thôn và thực hiện có hiệu quả các mô hình sinh kế.